29/07/2014 07:05 GMT+7

Kỳ 2:  Người Hàn “thống trị” rạp chiếu

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Sự kiện Tập đoàn CJ CGV của Hàn Quốc mua lại Megastar (năm 2011) đã là một bất ngờ không nhỏ, nhưng dấu ấn của “làn sóng Hàn Quốc” đã đến từ rất lâu trước đó.

Bây giờ thì chắc người Việt đã quá quen thuộc với việc phim Hàn xuất hiện dày đặc không chỉ trên các kênh khác nhau của sóng truyền hình mà ngay cả ngoài rạp vốn tưởng như vẫn dành hết cho phim Hollywood. Và khán giả Việt hẳn cũng đã quen với việc mua vé xem phim Hàn như quen với ánh sáng vàng của hệ thống các cụm rạp CGV Cinema, Lotte Cinema mà người Hàn mang đến VN?

Gần 3/4 miếng bánh ngon

Với thị trường phim chiếu rạp, Lotte Cinema đi trước CJ CGV một bước khi ngay từ năm 2008 họ đã mua lại hệ thống rạp phim Diamond, rồi tiếp tục triển khai các rạp phim ở những nơi mà họ xây dựng trung tâm thương mại Lotte hoặc gắn luôn siêu thị Lotte với Lotte Cinema. Hiện tại, Lotte Cinema sở hữu 12 cụm rạp không chỉ ở Hà Nội hay TP.HCM mà đã vươn ra các tỉnh thành khác như Phan Thiết, Nha Trang, Ðồng Nai, Bình Dương... Gần như từ khi có cụm rạp tại VN, tháng nào Lotte Cinema cũng có phim Hàn mới về. Các phim này thường do Lotte Hàn Quốc sản xuất, thuộc dòng phim thị trường nhẹ nhàng, nội dung đơn giản dễ hiểu.

* Ông Tae Sun Jung (giám đốc văn phòng đại diện của CJ E&M tại VN):

Sẽ đầu tư từ 3-5 phim Việt mỗi năm

Là công ty kinh doanh nội dung, chúng tôi đang tiến hành đầu tư vào ngành sản xuất phim với các công ty VN nhằm góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của các bạn. Mục tiêu chính của CJ E&M không phải chỉ để kiếm tiền mà mong với những gì CJ E&M đã làm được ở Hàn, chúng tôi sẽ có thể giúp ngành điện ảnh Việt phát triển hơn trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hiện tại mỗi năm VN chỉ có 15-20 phim ra rạp, CJ E&M sẽ cố gắng hợp tác làm 3-5 phim/năm chất lượng cao phục vụ khán giả. Tập đoàn CJ cũng đang được chính phủ thừa nhận đóng vai trò lớn trong việc hợp tác phát triển các chương trình nội dung và hệ thống rạp tại thị trường VN.

C.K. ghi

Lotte Cinema cũng có một số lần nhận phát hành phim Việt, nhưng thường là phim... không hay! Riêng sự kiện Lọ Lem Sài Gòn (phim hợp tác Hàn Quốc - VN) mà Lotte Cinema phát hành năm 2013 thì gây xôn xao dư luận hơn, có lẽ bởi đây là phim hợp tác. Thêm nữa, phim được quảng bá có cậu Spy nhí đang sốt vì có mặt trong clip Gangnam style. Tuy nhiên, Lọ Lem Sài Gòn đã nhanh chóng gây thất vọng vì nội dung dễ dãi, tùy tiện và sự có mặt của Spy nhí thì quá ngắn ngủi. Chưa có thêm thông tin gì về việc Lotte VN có định tham gia thị trường sản xuất phim ở VN nữa hay không, nhưng động thái liên tiếp mở các cụm rạp lớn cho thấy rõ ràng Lotte Cinema đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường phim chiếu rạp Việt và họ không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Chậm chân hơn Lotte, nhưng ngay khi CJ CGV chính thức sở hữu hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất VN là Megastar, nhiều người đã cho đây là một thương vụ đánh úp ngoạn mục. Nhưng nếu nhìn vào lộ trình CJ đã tiếp cận thị trường điện ảnh VN như thế nào thì có thể thấy rõ, họ không ngẫu hứng làm thương vụ này. Dù thế, hơn 70 triệu USD cho vụ chuyển nhượng “hoành tráng” để các cụm rạp Megastar ở VN trở thành CGV Cinema rõ ràng đã là một con số chấn động. Bởi lẽ thị trường phim chiếu rạp Việt dù phát triển rất nhanh nhưng vẫn là một thị trường khiêm tốn. Thời điểm đó, Megastar có bảy cụm rạp và 54 phòng chiếu với tổng tài sản ước tính khoảng 38 triệu USD - chiếm 60% doanh thu phòng vé ở VN. Còn bây giờ, CGV Cinema có 14 cụm rạp phủ sóng ở rất nhiều tỉnh thành tại VN. Tham vọng của CGV là sẽ phát triển nhanh tới con số 30 cụm rạp cho đến năm 2017.

Cũng từ khi đổi tên và đổi chủ, CGV Cinema chiếu nhiều phim Hàn hơn trong khi vẫn duy trì lượng phát hành lớn các phim Hollywood. Cả Lotte Cinema và CGV đều cam kết hỗ trợ phim Việt, đặc biệt là CGV sau bài học dư luận phản ứng vụ Bẫy rồng thất thế trước Avatar, có vẻ như họ rất cố gắng làm đẹp hình ảnh của mình, bắt đầu từ những thiện chí với phim ảnh Việt!

CGV Cinema và Lotte Cinema hiện sở hữu 26 cụm rạp trên tổng số 40 cụm rạp tiêu chuẩn trên toàn quốc, chiếm gần 3/4 “miếng bánh”. Ngoài kinh doanh rạp chiếu phim, phát hành phim, sản xuất phim... cả CJ CGV và Lotte Cinema đều có dịch vụ khác. CJ CGV có các tiệm ăn, hệ thống tiệm bánh Tous les Jours. Lotte có siêu thị với các mặt hàng nhu yếu phẩm xuất xứ Hàn Quốc. Các hình thức kinh doanh của họ dần chiếm lĩnh các địa điểm đẹp và cũng đang dần đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dân VN từ văn hóa đến ẩm thực...

Từng bước đi chậm, chắc

CJ CGV không mới xuất hiện như nhiều người tưởng. Thực chất, họ đã âm thầm đặt văn phòng ở VN từ những năm 2000. Các chuyên viên của CJ CGV cũng đã có những bước đi khá thận trọng khi họ từng bước tiếp cận các hãng phim Việt, tiếp cận các nhà làm phim và chắc chắn không bỏ qua các con số phát triển của thị trường phim ảnh.

Lẵng hoa tình yêu - một phim hài sitcom năm 2001 - có thể coi là sự hợp tác đầu tiên công khai giữa một đối tác Hàn Quốc (FnC) với một đơn vị làm phim trong nước (TFS). Phép thử đó chỉ nhen nhóm lên ở dự án này, dù rất nhiều người Việt chờ đợi một bước “nhảy vọt” hơn trong quan hệ hợp tác với một đối tác đến từ nền kinh tế mạnh, điện ảnh phát triển... khi phim ảnh Việt luôn thiếu vốn sản xuất và công nghệ còn khá lạc hậu. FnC cũng lặng lẽ biến mất để CJ Media xuất hiện vào năm 2005. CJ Media rõ ràng đã tỏ ra “ông lớn” hơn khi dự án Mùi ngò gai của họ (kết hợp cùng một hãng phim Việt khác) khá đình đám và tốn giấy mực báo chí. Giám đốc của CJ Media khi đó cũng tiết lộ hóa ra FnC chính là một công ty con của CJ Media. Họ đã tiến đúng nghĩa: từng bước nhỏ!

Sau khi CJ CGV thay thế Megastar, bỗng xuất hiện một CJ khác: CJ E&M. Ðây chính là hai mảng khác nhau của một tập đoàn CJ, CGV kinh doanh rạp chiếu phim thì E&M sẽ là giải trí truyền thông - trực tiếp tham gia sản xuất phim. Nếu như CJ E&M công khai thì CJ CGV tham gia một cách... rất bí mật! Có nhiều lời đồn đoán bên lề khó kiểm chứng rằng Hit Hoàng tử và Lọ Lem hay Tèo Em chính là các phép thử liên tiếp của CJ CGV với khán giả Việt. Số phận của Hit Hoàng tử và Lọ Lem thì ai cũng biết, nhưng Tèo Em rõ ràng đã thành công vang dội về mặt doanh thu bất chấp những than phiền của báo giới về độ “nhảm”. Trong một lần gặp gỡ với lãnh đạo CJ CGV tại Seoul (Hàn Quốc), nói với PV Tuổi Trẻ, phía CJ CGV khẳng định họ sẽ hỗ trợ để điện ảnh Việt phát triển như điện ảnh Hàn. Tuy vậy, nhìn vào Tèo Em hay Hit Hoàng tử và Lọ Lem thì khó có thể hình dung điện ảnh Việt sẽ phát triển ra sao. Câu trả lời này có lẽ nằm ở câu nói của một người làm phim với người viết: “Họ sang VN để kiếm tiền, vì ở Hàn Quốc thị trường điện ảnh đã bão hòa rồi!”.

Ðể Hội tính (đạo diễn Charlie Nguyễn) là một dự án mà CJ E&M chính thức bỏ vốn đầu tư (không quá 50% như quy định của pháp luật VN với việc kinh doanh đầu tư của các công ty nước ngoài). Dự án Chuyện ba cô nàng (đạo diễn Võ Tấn Bình) đang chuẩn bị bấm máy cũng là một dự án được CJ E&M đầu tư. Tháng 9-2013, đích thân tổng giám đốc CJ E&M Hàn Quốc đã ký với tổng giám đốc VTV một dự án hợp tác sản xuất phim truyền hình dài tập với tỉ lệ góp vốn 50-50 để cho ra đời các loạt phim truyền hình Hàn - Việt, với tham vọng phát sóng ở cả hai nước. Rõ ràng Hàn Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường điện ảnh VN với từng bước đi chậm, chắc.

Nở rộ chương trình truyền hình Hàn trên sóng

Mặc dù cố gắng khai thác thêm các thể loại phim từ các nước khác như Philippines, Ấn Độ, Thái Lan... nhưng phim truyền hình Hàn Quốc cho đến nay vẫn là sự lựa chọn số 1 đối với các kênh truyền hình. Hiện tại, phần lớn giờ phát sóng phim truyện trên kênh HTV3 là phim Hàn Quốc. HTV2 dành hẳn giờ phim 16g45 để chỉ phát sóng phim Hàn Quốc, và khung giờ phim truyện 20g cũng đang phát sóng phim Hàn. VTV3 hiện có đến ba phim Hàn mới phát sóng lúc 12g, 18g và 22g40...

Song song với việc “phủ sóng” dày đặc phim truyền hình Hàn Quốc, hiện nay các chương trình game show, talk show, truyền hình thực tế do Hàn Quốc sản xuất được VN mua bản quyền và “đổ bộ” lên sóng truyền hình với số lượng ngày càng nhiều. Khán giả Việt có thể nghe các ngôi sao Hàn Quốc kể về chuyện đời tư của họ, về con đường họ đi qua và cái giá phải trả khi tham gia thế giới giải trí trong chương trình talk show Giải mã K-stars (phát sóng lúc 22g thứ bảy hằng tuần trên HTV2), cùng với cha con các ngôi sao Hàn tham gia những chuyến du lịch đặc biệt trong chương trình truyền hình thực tế Ba ơi, mình đi đâu vậy? (15g15 thứ bảy trên HTV3). Hay kênh Yan TV có chương trình We got married - kể về những chuyện tình, hôn nhân giả nhưng đầy lãng mạn của các cặp đôi ngôi sao...

H.LÊ

______________

Kỳ cuối: Đáng ngại và đáng học

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên